HOTLINE: 0919 755866

Nghịch lý điện mặt trời: Dùng không hết phải trả tiền trước khi có FIT3 (?)

25/06/2021 | 1065 |
0 Đánh giá

Mới đây, trên Báo Lao Động điện tử có có đăng Clip phóng sự với tựa đề “Nghịch lý điện mặt trời: Dùng không hết phải trả tiền” với nội dung nêu lên nghịch lý: Đối với nhiều hộ dân lắp điện mặt trời là khi điện thừa, nhưng không những không bán được mà còn phải trả tiền khi bị đẩy lên lưới.

Mới đây, trên Báo Lao Động điện tử có có đăng Clip phóng sự với tựa đề “Nghịch lý điện mặt trời: Dùng không hết phải trả tiền” với nội dung nêu lên nghịch lý: Đối với nhiều hộ dân lắp điện mặt trời là khi điện thừa, nhưng không những không bán được mà còn phải trả tiền khi bị đẩy lên lưới. Các phóng viên của Báo đã phỏng vấn ông Nguyễn Trung Hướng - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Năng lượng và Môi trường Bảo Khang, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các hộ lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Là người luôn theo sát ngành điện, theo dõi các dự án điện, tôi thấy phóng sự trên có nhiều điểm chưa chính xác, dẫn tới đưa ra các lời khuyên cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà chưa đầy đủ, có thể gián tiếp ủng hộ người dân vi phạm pháp luật đối với việc đấu nối điện vào hệ thống lưới điện quốc gia. 

Qua bài viết này, chúng tôi xin giải thích như sau:

Sau khi cơ chế giá FIT-1 hết hiệu lực, ngày 6/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, thời gian áp dụng cơ chế FIT mới (FIT 2) được tính từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020; Hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà được ký với đơn vị điện lực được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ủy quyền trong 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện; trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản, sau khi lắp đặt, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ Tổng đài Chăm sóc khách hàng của EVN để được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.

Tuy nhiên, sau thời điểm 31/12/2020 theo quy định của Chính phủ, EVN tạm thời ngừng mua điện mặt trời mái nhà của các dự án chưa hoàn thành là đúng quy định.

Như vậy, vào thời điểm đầu năm 2021, do điện mặt trời mái nhà vẫn đang phát triển nóng, có thể vì lợi nhuận bán thiết bị nên các nhà cung cấp thiết bị điện mặt trời đã không tư vấn sâu sát cho người dân trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, đã cùng người dân lắp đặt và tự ý đấu nối vào hệ thống điện quốc gia mà không làm việc với các cơ quan chức năng quản lý điện lực để được hỗ trợ và đấu nối theo quy định. Vì lý do này, có thể dẫn đến tình trạng một số hộ gia đình phải trả thêm tiền điện khi điện mặt trời dùng không hết và bị đẩy lên lưới điện quốc gia.

Về nhận định và lời khuyên của ông Nguyễn Trung Hướng - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Năng lượng và Môi trường Bảo Khang chưa đầy đủ, có thể dẫn đến gián tiếp tiếp tay cho người dân (vốn chưa hiểu rõ về pháp luật và hệ thống điện mặt trời mái nhà) vi phạm quy định pháp luật, trầm trọng hơn có thể bị khởi tố. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Chưa giải thích cho nhà đầu tư (người dân) lắp đặt điện mặt trời về thời điểm hiệu lực của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (cơ chế này đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020) để cân nhắc việc nên, hay không đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Thứ hai: Chưa đánh giá đúng bản chất của việc người dân phải trả thêm tiền điện khi có một lượng điện sinh ra không dùng hết phải đẩy lên lưới: Do công tơ một chiều (mua điện) của hộ đầu tư điện mặt trời thuộc loại cũ, có chức năng chống trộm điện nên khi điện mặt trời phát ngược lên lưới công tơ vẫn tiếp tục quay thuận chiều và cộng dồn vào số điện đã tiêu thụ. Vì vậy, nếu người dân tự ý đấu hệ thống điện mặt trời vào lưới điện quốc gia thì việc phải trả thêm tiền điện là điều đương nhiên.

Thứ ba: Việc tư vấn cho người dân về lắp điện mặt trời chưa đầy đủ và chính xác: Cần giải thích cho người dân liên hệ với đơn vị chức năng quản lý điện lực để được hỗ trợ đấu nối, lúc này đơn vị điện lực sẽ thí nghiệm (kiểm tra) các hệ thống theo quy trình, thay thế công tơ 1 chiều phù hợp (công tơ điện tử), hoặc công tơ 2 chiều để ghi nhận chỉ số đã phát lên lưới, sau này EVN có thể sẽ trả tiền khi có quy định mới của Chính phủ.

Thứ tư: Việc tự ý đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia là vi phạm quy định pháp luật, có thể gây mất an toàn cho cho lưới điện và nhân viên sửa chữa nếu chức năng tự động cách ly của Inverter không đạt.

Tóm lại: Qua các ý kiến trên, chúng tôi mong muốn các phóng viên, cũng như người trả lời phỏng vấn nên tìm hiểu kỹ các vấn đề để tránh các thông tin sai lệch đáng tiếc có thể xảy ra./.

Theo Năng lượng Việt Nam


Tin tức liên quan

Bình luận