Không được gia hạn giá FIT, nhiều doanh nghiệp điện gió có nguy cơ phá sản
Với các quy định rất nghiêm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và các địa phương hiện nay, chủ đầu tư các các dự án điện gió như đang ‘ngồi trên đống lửa’. Vì vậy, nếu không được gia hạn thời gian áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió thì các doanh nghiệp này có nguy cơ phá sản.
Covid-19 - rủi ro bất khả kháng đối với các dự án điện gió:
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Trên địa bàn cả nước hiện có 130 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện với EVN, tuy nhiên số dự án đến thời điểm đầu tháng 8/2021, mới có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại. Điều đó có nghĩa là các dự án còn lại hiện còn đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ hoàn thành trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg thì chỉ có các dự án hoàn thành phát điện trước ngày 31/10/2021 mới có thể được hưởng giá FIT trong 20 năm, còn theo các thông tin thì hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế mua điện từ các dự án điện gió sau khi giá FIT theo Quyết định số 39/2018 hết hiệu lực để trình Chính phủ quyết định, điều này khiến không ít nhà đầu tư lo lắng cho các công trình điện gió của mình, khi không biết cơ chế mua điện sẽ ra sao khi không đáp ứng tiến độ theo Quyết định 39/2018 nêu trên.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng: Để đầu tư một dự án điện gió cần khoảng thời gian từ 2 - 3 năm để chuẩn bị và đầu tư xây dựng, tuy nhiên ở thời điểm ban hành Quyết định số 39/2018 bệnh dịch Covid-19 chưa xảy ra, thậm chí trước khi quyết định đầu tư nhiều nhà đầu tư còn không thể dự đoán được diễn biến phức tạp của dịch bệnh đến quá trình đầu tư xây dựng dự án, hầu hết các hợp đồng thi công xây dựng đều quy định rõ dịch bệnh Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, khi đó các nhà thầu đều được miễn giảm trách nhiệm, cam kết của mình về tiến độ, tiến thoái lưỡng nan đang là vấn đề mà các nhà đầu tư phải đối mặt.
Dựa trên số liệu cập nhật mới nhất từ EVN, hiện nay mới chỉ có 106 dự án điện gió đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021, với công suất 5.655,5 MW kịp hưởng giá FIT - giá cố định 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (khoảng 2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng. Ngoài ra, có 13 dự án sẽ không kịp vận hành trước ngày 31 tháng 10 năm nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đăng ký này cũng chỉ để đáp ứng yêu cầu thông tin cho EVN, chứ thực tế sẽ có nhiều dự án điện gió trong số 106 dự án trên sẽ không kịp phát điện theo kế hoạch (một phần, hoặc toàn bộ dự án). Bởi thực tế triển khai đang gặp rất nhiều bất cập, không có lợi cho nhà đầu tư. Nhiều dự án điện gió trên khắp các tỉnh thành từ Bình Thuận, Gia Lai, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… tiến độ đang chậm hơn so với dự kiến, mà nguyên nhân đến từ các lý do khách quan như giải phóng mặt bằng, thiên tai, đặc biệt là diễn biến phực tạp của bệnh dịch Covid-19. Vì thế, con số dự án không kịp vận hành thương mại trước thời điểm hết giá FIT sẽ còn nhiều hơn dự báo.
Cuộc chạy đua nước rút liệu có thành?
Trước sức ép quá lớn trong tiến độ, các chủ đầu tư đang xoay vần mọi tình thế để chạy đua giai đoạn nước rút này, thậm chí có những dự án đã chấp nhận đội vốn lên nhiều lần để kịp về đích. Việc chậm trễ gia hạn biểu giá FIT hiện hành, hay với cơ chế giá FIT mới sẽ khiến các nhà đầu tư điện gió rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Cộng thêm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư điện gió trên cả nước ‘kêu cứu’ tới Chính phủ, các cấp bộ, ngành xem xét, gia hạn thêm thời gian tính giá FIT hiện nay đến hết năm 2021. Có như vậy, các dự án điện gió đang xây dựng trong giai đoạn hiện nay mới kịp hoàn thiện, đi vào vận hành thương mại.
Một đại diện của Hiệp hội Điện gió và Điện Mặt trời Bình Thuận cho biết: Mặc dù các chủ đầu tư dự án điện gió đang nỗ lực hết sức cho mục tiêu vận hành, phát điện trước ngày 30/10/2021, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó có các dự án điện gió.
Cụ thể, do Covid-19, các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam, hoặc đến được thì phải cách ly theo quy định hiện hành và khi di chuyển trong nước lại phải thực hiện cách ly theo quy định của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc vận chuyển thiết bị (phần lớn là siêu trường, siêu trọng) đến công trường đang gặp rất nhiều trở ngại do nhiều cảng bị phong tỏa, xe trên đường đi chuyển rất chậm do thủ tục khai báo y tế và xét nghiệm Covid-19 ở từng địa phương.
Ngoài ra, việc thiếu hụt lao động thi công trên công trường một cách trầm trọng vì hàng loạt tỉnh thành đang đồng thời thực hiện cách ly theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, việc điều động nhân công, thiết bị phục vụ thi công gần như bị đình trệ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.
Việc nghiệm thu vận hành thương mại (COD) cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi hàng loạt dự án cùng thực hiện trong tháng 9 và 10 năm 2021; trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến. Các đơn vị của EVN sẽ khó bố trí đủ lực lượng để hoàn thành công việc này.
Vì vậy, chủ đầu tư dự án điện gió cùng với các nhà thầu thi công xây dựng, cung cấp thiết bị, lắp dựng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đã ngày đêm nỗ lực hết sức đưa dự án hòa lưới điện quốc gia trước thời hạn 1 tháng 11 năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến các dự án đã rất khó khăn lại chồng chất khó khăn, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ phát điện trước ngày hạn định.
Doanh nghiệp luôn đồng hành cùng sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Thiết nghĩ, trong khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là động thái gia hạn giá FIT hiện nay để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phát triển kinh tế, đóng góp vào GDP của đất nước./.
HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM